Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng; vải thiều Thanh Hà sẽ được đưa sang Australia bằng máy bay… là những tin nổi bật trong điểm tin xuất khẩu tuần từ 6/5-12/5
Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng và bứt phá
Cuối tháng 4, xuất khẩu gạo nước ta đạt hơn 3 triệu tấn và mang về trên 2 tỷ USD, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhận định về thị trường gạo quý 2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, giá gạo thế giới và gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng kể từ giữa năm ngoái. Thái Lan cũng sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm nay. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng và bứt phá |
Gạo chất lượng cao đang chuẩn bị xuất khẩu đi Bờ Biển Ngà và Ghana. Ngoài hợp đồng hơn 20.000 tấn gạo thơm phải giao cho các nước Tây Phi, nhà máy sản xuất còn có cơ hội ký thêm nhiều hợp đồng mới. kho khoảng 30.000 tấn gạo thành phẩm, tức tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ đơn hàng ổn định, dồi dào nên doanh nghiệp phải hoạt động liên tục.
Thực tế, giá gạo Việt Nam đang cao hơn so với gạo Thái Lan và Ấn Độ từ 5-10%, khi trong quý 2 này, có mức bán bình quân đạt hơn 650 USD/tấn. Việc ưu tiên chế biến các dòng gạo thơm, khai thác có hiệu quả nhiều ngách thị trường tiềm năng sẽ giúp ngành gạo nước ta tiếp tục tăng trưởng và bứt phá.
Vải thiều Thanh Hà sẽ đưa sang thị trường Australia bằng máy bay
Lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên của năm 2024 sẽ được đưa sang Australia bằng máy bay vào ngày 14/5. Đây là thị trường truyền thống đã tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nhiều năm qua.
Theo Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh), doanh nghiệp đang sơ chế khoảng 1 tấn vải thiều sớm Thanh Hà để xuất khẩu sang Australia. Số vải trên được thu mua ngày 11/5 tại một số vườn ở khu Hà Đông, vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên của năm 2024 sẽ được đưa sang Australia bằng máy bay |
Sau khi sàng lọc kỹ lưỡng, sơ chế, ngày 13/5 công ty đưa toàn bộ số vải này đi chiếu xạ để đạt tiêu chí kiểm dịch và ngày 14/5 sẽ xuất khẩu sang Australia bằng đường hàng không.
Theo kế hoạch, khi vải sớm rộ hơn, trà vải u hồng cho thu hoạch, mỗi ngày doanh nghiệp sẽ thu mua từ 10-15 tấn để xuất khẩu.
Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ là doanh nghiệp có kinh nghiệm đưa vải thiều Thanh Hà xuất khẩu các thị trường lớn như: Nhật, Mỹ, Hà Lan, Canada, Australia… Năm nay, doanh nghiệp tiếp tục mời chuyên gia Nhật Bản giám sát chất lượng quả vải, phối hợp tiếp tục đưa vải thiều Thanh Hà vào hệ thống siêu thị Aeon.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng ấn tượng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4 đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với tháng 4/2023.
4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước ước đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu nông lâm sản chủ lực đều tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái cũng như giá trị xuất khẩu tới các thị trường đều tăng.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4 đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với tháng 4/2023 |
Cụ thể, xuất khẩu nông sản chính 2,83 tỷ USD (tăng 29,2%), lâm sản 1,39 tỷ USD (tăng 18,6%), chăn nuôi 40,8 triệu USD (tăng 5,9%), đầu vào sản xuất 157 triệu USD (tăng 0,5%). Riêng thủy sản 730 triệu USD (giảm 1,5%). Tính chung 4 tháng, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 19,06 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu cà phê có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 2,5 tỷ USD, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là mặt hàng gạo, sau 4 tháng đã xuất khẩu được 3 triệu tấn, với kim ngạch 1,93 tỷ USD, tăng 13,5% về lượng và tăng 23,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với kết quả xuất khẩu 4 tháng vừa qua (cao nhất tính trong 4 tháng đầu năm từ trước tới nay), nếu cả năm vẫn duy trì 750 nghìn tấn/tháng thì dư địa thị trường xuất khẩu có thể lên tới 9 triệu tấn gạo.
Cùng với cà phê và lúa gạo, rau quả cũng là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lô yến sào đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Pháp
Tiếp nối thành công xuất khẩu tổ yến sào sang thị trường Trung Quốc vào cuối năm 2023, công ty Hải Yến Nha Trang vừa có lô hàng đầu tiên đặt chân đến thị trường Pháp vào cuối tháng 4/2024. Đây cũng chính là lô hàng yến sào đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Pháp.
Lô yến sào đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Pháp |
Lô hàng xuất khẩu chính ngạch bao gồm: Tổ yến sào Nha Trang; Yến hũ dinh dưỡng và Cà phê yến sào Nha Trang. 100% sản phẩm được thông quan, đạt chuẩn các chất lượng kiểm định nghiêm ngặt của Pháp nói riêng và thị trường châu Âu nói chung.
Theo Công ty Hải Yến Nha Trang: Công ty đã có thời gian làm việc khá dài để cùng các cơ quan chức năng của Pháp tạo nên bộ khung kiểm định cho các sản phẩm yến sào từ những công đoạn đầu tiên cho đến khi hàng hóa sang Pháp và được kiểm định thành phẩm. Công ty luôn cẩn thận trong từng bước đi để bảo vệ chất lượng và thương hiệu yến sào Việt khi đến với thị trường quốc tế. Đây là một trong những cột mốc đáng mừng của Hải Yến Nha Trang nói riêng và thị trường yến sào Việt nói chung. Tôi mong rằng trong tương lai, yến sào Việt sẽ được ưa chuộng tại Pháp và thị trường châu Âu”.
Các sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu phải đáp ứng các yêu cầu kiểm định từ các giai đoạn: Thu mua nguyên liệu, chế biến sản xuất, kiểm tra chất lượng, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Để gia tăng thêm năng lực cạnh tranh, chất lượng của sản phẩm Việt tại thị trường quốc tế, công ty đã chủ động tạo nên quy trình kiểm định chất lượng, xét nghiệm đánh giá sản phẩm thông qua các đơn vị kiểm định uy tín trước khi hoàn thiện hồ sơ gửi đến các cơ quan kiểm định chất lượng của nước sở tại.