Theo Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), nguồn cung thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi và thịt lợn đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá cao và khó giảm.
Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng nay, 6.5, Cục Chăn nuôi đã lý giải vì sao giá lợn thịt liên tục tăng cao trong thời gian qua dù Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã có các biện pháp can thiệp, chỉ đạo bình ổn giá.
Theo Cục Chăn nuôi, do dịch bệnh, dẫn đến nguồn cung lợn giảm mạnh, làm giá tăng. Báo cáo của các địa phương cho thấy, đến hết tháng 2 năm nay, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, chỉ tương đương 74% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
Trong thời gian qua, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn chỉ chiếm thị phần 35% lợn thịt, dù các doanh nghiệp này cam kết đưa giá lợn hơi về mốc 70.000 đồng/kg từ 1.4.
65% thị phần còn lại nằm ở các doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá. Vì vậy, các biện pháp bình ổn trong thời gian qua chưa đủ sức để kéo giá lợn xuống 70.000 đồng/kg. Một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn cũng không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên càng thiếu nguồn cung, làm tăng giá thịt lợn.
Cục Chăn nuôi cho rằng, một nguyên nhân khác khiến thịt lợn khó giảm giá là lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua 2 – 5 khâu trung gian, làm giá tăng (gần 43%).
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%; chi phí phòng chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thuốc sát trùng… cũng làm giá lợn hơi tăng.
Theo Cục Chăn nuôi, chịu tác động từ dịch tả lợn châu Phi, giá lợn hơi của Trung Quốc tăng quá cao, ở mức 120.000 đồng/kg nên vẫn có hiện tượng thẩm lậu lợn thịt, lợn giống và sản phẩm thịt lợn qua biên giới.