Khoai tây nếu không ăn hết cần bảo quản đúng cách để tránh thối rữa hay mọc mầm.
Khoai tây cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng như vitamin C, B6, chất xơ, sắt hay cả protein và chất béo. Giá bán của loại thực phẩm này cũng hợp lý nên nhiều người có thói quen mua số lượng lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách bảo quản khoai tây an toàn, tránh nảy mầm hoặc thối rữa.
Cần áp dụng một số cách dưới đây để bảo quản khoai tây trong thời gian dài mà không hư hỏng.
Bảo quản trong thùng carton
Thùng carton cũng có thể trở thành môi trường bảo quản khoai tây tốt, cùng với chút hạt tiêu, muối và nước sạch.
Đầu tiên, rửa sạch khoai tây để loại bỏ bùn đất. Chuẩn bị một chậu nước sạch rồi cho muối vào, hòa tan, cho khoai tây vào ngâm 10 phút. Cách làm này sẽ ngăn khoai tây mọc mầm.
Lấy khoai tây ra rồi dùng khăn giấy hoặc khăn vải sạch thấm bớt nước. Để khoai tây ráo nước rồi đặt vào thùng carton (có thể thay thế bằng các loại hộp giấy khác).
Cuối cùng rắc hạt tiêu lên trên. Chất zanthoxylum bungeanum có trong hạt tiêu không chỉ giúp diệt khuẩn mà còn ngăn khoai tây bị thối rữa, hư hỏng.
Với cách làm này, khoai tây có thể không mọc mầm trong một năm.
Bảo quản khoai tây trong túi nilon cùng táo
Táo sẽ sản sinh ra một chất gọi là khí ethylene, có tác dụng ức chế việc sản xuất auxin trong khoai tây, từ đó làm chậm quá trình nảy mầm của loại củ này. Bởi vậy khi đặt táo và khoai tây cạnh nhau có thể bảo quản khoai được lâu hơn, không ảnh hưởng tới chất lượng của cả hai.
Cách thực hiện:
Đặt khoảng một kg khoai tây cùng 2-3 quả táo trong một túi nilon, sau đó buộc chặt miệng túi lại, treo ở khu vực thông thoáng, khô ráo. Mùi hương và khí ethlylene sinh ra từ táo sẽ giúp khoai tây được bảo tươi lâu, ít hỏng hóc, thậm chí tránh được tình trạng mọc mầm tới 8 tuần, giữ trọn dinh dưỡng hiệu quả.
Mẹo chọn khoai tây tươi ngon, để được lâu
Để khoai tây luôn được tươi ngon, ngoài biết phương pháp bảo quản, nên tham khảo thêm các mẹo chọn mua.
Đầu tiên là cần chú ý đến màu sắc bên ngoài củ khoai tây. Một củ khoai tây tươi ngon sẽ có lớp vỏ ngoài màu vàng thay vì màu trắng. Không nên chọn những củ có dấu hiệu chuyển sang màu xanh hay mọc mầm. Những loại củ này chất lượng không những tệ mà còn chứa nhiều chất độc hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Cần chú ý là trong thời gian bảo quản, nên kiểm tra khoai tây định kỳ mỗi tuần để phát hiện các dấu hiệu hư hỏng, bởi một củ khoai hỏng có thể làm lây nhiễm sang những củ khác, vì thế cần phải loại bỏ sớm.
Nguồn: https://vnexpress.net/cach-bao-quan-khoai-tay-vai-thang-khong-hong-4757223.html